ĐẶC SẮC BAYSEY TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO KHMER NAM BỘ
SƠN THỊ PHƯỚC
Dân tộc Khmer có truyền thống Phật giáo với nhiều nghi lễ, hội văn hóa và thờ cúng. Thờ cúng Thần theo tập tục cổ truyền của người Khmer được xem là hình thức cúng bái lâu đời, phản ánh rõ nét đời sống tâm linh đặc sắc, thể hiện sự tôn kính và biết ơn các thế lực trong tự nhiên đã che chở và phủ hộ cho đời sống của cộng đồng, trong các nghi thức thờ cúng không thể thiếu Baysey, là một trong các lễ vật đặc trưng độc đáo của dân tộc Khmer và nếu không có các giải pháp bảo tồn cách thức thờ cúng, kết Baysey thì có thể sẽ bị mai một trong tương lai.
Hậu Giang có một số vùng đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như xã Xà Phiên, xã Lương Nghĩa, … tại các điểm chùa, các vị À cha, ông bà lớn tuổi vẫn còn sử dụng Baysey trong một số nghi lễ. Tuy nhiên, ở giới trẻ hiện nay lại không còn nhiều người biết đến và có rất ít người biết kết Baysey trong các mâm lễ vật. Nhưng niềm đam mê và sự yêu thích về văn hóa truyền thống, mong muốn bảo tồn giá trị bản sắc đồng bào dân tộc, em Danh Tường và Thị Minh Kiều lớp 12A1 trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hậu Giang với sự hướng dẫn đầy nhiệt huyết của cô Nguyễn Phúc Đan Tâm, giáo viên của trường, đã cùng với các em nghiên cứu về Baysey với dự án Baysey – Một nghiên cứu về nét đẹp trong tín ngưỡng người dân tộc Khmer và giải pháp bảo tồn văn hóa kết Baysey.
Theo sự nghiên cứu của các em cho thấy từ vật liệu đến cấu tạo Baysey điều mang một ý nghĩa riêng biệt. Baysey được làm từ thân cây chuối, được ghim dựng đứng, xung quanh có cuốn lá chuối hình dạng ngón tay, ghim thành từng tầng (cấp) và được trang trí thêm một số loại hoa. Người Khmer chọn vật liệu là cây chuối để làm Baysey vì cây chuối gắn liền với đời sống con người là loài cây có nhiều trái trong buồng phù hợp với tín ngưỡng phồn thực sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp; tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp ngày nay, Baysey còn được làm từ các vật liệu bằng nhựa để giữ được lâu và có nhiều màu sắc hơn. Phần chóp nhọn của Baysey tượng trưng cho nóc chùa (hoặc hình tượng của đôi tay chập lạy), mỗi tầng có 5 chùm, mỗi chùm có 5 tay, tượng trưng cho ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng là hình tượng của bàn tay 5 ngón.
Baysey có ý nghĩa dùng làm lễ vật trong một số nghi lễ quan trọng, để trưng bày làm lễ vật thờ cúng hay là để trang trí trong các đám hỷ; ngoài ra, Baysey còn được thấy trưng bày ở những nơi quan trọng như chùa chiền, chánh điện chùa và các ngôi đèn cổ. Được phân loại theo số tầng, có nhiều loại Baysey, mỗi loại có ý nghĩa riêng, việc xếp gấp Baysey theo từng tầng lớp tùy thuộc vào địa điểm và nơi tổ chức của buổi lễ. Baysey thường có hoặc 3 tầng, 5 tầng, 7 tầng, hoặc 9 tầng (số tầng là số lẻ) Baysey 3 tầng tượng trưng cho Tam bảo là Phật Pháp và Tăng; Baysey 5 tầng tượng trưng cho năm đức Phật đặc chánh quả; Baysey 7 tầng tượng trưng cho bảy loài vật; Baysey 9 tầng tượng trưng cho chín pháp. Về sau này người ta còn phát triển thêm các loại Baysey là Baysey 12 tầng tượng trưng cho 12 bà mẹ; Baysey 21 tầng tượng trưng cho 21 người cha; Baysey 33 tầng tượng trưng cho cha mẹ; Baysey 38 tầng tượng trưng cho bát đức; Baysey 56 tầng tượng trưng cho đức Phật; Baysey 14 tầng tượng trưng cho 14 nhà sư; Baysey 108 tầng tượng trung cho ân đức của Phật, Pháp, Tăng.
Một số lễ hội của người Khmer có sử dụng Baysey đồng bào Khmer Nam Bộ với nền văn hóa giàu bản sắc, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Trong nền văn hóa ấy, lễ hội nổi lên như một điểm nhấn: một số lễ hội của người Khmer có sử dụng Baysey như An vị Phật, lễ cúng thần KRÔNG PEA LÝ bảo vệ nghề thợ mộc, thợ nề, lễ cúng tổ nghệ thuật múa Rô bâm, lễ cúng tổ nghệ thuật sân khấu Dù kế, lễ chúc thọ, lễ Kathina; lễ Cầu an, lễ tang, lễ hạ thủy ghe Ngo, … Qua nghiên cứu của em Danh Tường và em Thị Minh Kiều cũng cho thấy Baysey được dùng làm lễ vật trong rất nhiều lễ hội của người Khmer, hy vọng rằng với niềm đam mê yêu quý truyền thống văn của các em sẽ lan tỏa được đến với các giới trẻ ngày nay không ngừng duy trì phát triển, giữ gìn, vươn lên để tiếp nối và bảo tồn được văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hậu Giang cũng đã thành lập Câu lạc bộ kết Baysey do cô Đan Tâm làm chủ nhiệm với các hoạt động nghiên cứu, thực hành kết Baysey nhằm giúp các em học sinh trong nhà trường hiểu rõ hơn về Baysey góp phần bảo tồn bản sắc của dân tộc.