Khởi sắc
Sau Tết Nguyên đán, các hoạt động văn hóa, văn nghệ dần trở lại. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chỉ đạo các câu lạc bộ trực thuộc tổ chức, sắp xếp lại nhân lực, chuẩn bị xây dựng chương trình tập luyện trở lại, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Ông Lê Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Chúng tôi từng bước củng cố, nâng chất và phát huy các câu lạc bộ khung: Múa, thanh nhạc, sân khấu, đờn ca tài tử. Trong đó, chú trọng đến đờn ca tài tử. Hội thi đờn ca tài tử Nam bộ của tỉnh được tổ chức dưới hình thức quay clip, giới thiệu trên mạng xã hội đã tổng kết vào đầu năm nay. Đây là bước đầu để chúng tôi hướng tới xây dựng chương trình, tiết mục để quảng bá văn nghệ Hậu Giang trên mạng xã hội”.
Đây cũng là cơ hội để Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chọn các nghệ nhân đờn ca xuất sắc, xây dựng chương trình tập luyện, tham dự Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ vào tháng 4 tới tại thành phố Cần Thơ. Cùng với việc nâng chất các câu lạc bộ khung, trung tâm cũng đã chỉ đạo trong hệ thống trung tâm cấp huyện nâng chất đồng bộ các câu lạc bộ văn nghệ, đảm bảo phục vụ ngày càng nâng tầm chất lượng…
Trong tháng 4, sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, là cơ hội để những người làm văn nghệ phát huy khả năng, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo nên dấu ấn mới, từng bước nâng tầm nghệ thuật.
Một hoạt động được quan tâm nữa là phát huy văn hóa đọc. Thư viện tỉnh đã phục vụ bạn đọc tại chỗ, từng bước phát huy, khai thác công năng trên xe phục vụ lưu động đến các trường học trên địa bàn. Thư viện tỉnh đang chuẩn bị cho nhiều hoạt động nổi bật để hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 vào 21-4 tới. Bà Trần Tuyết Hận, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: Thư viện tỉnh sẽ tổ chức triển lãm sách, phát động cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về sách và các trò chơi về sách. Thư viện cấp huyện, xã cũng triển lãm sách và tổ chức các hoạt động phù hợp, cùng góp phần phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng một cách sâu rộng, lan tỏa.
Nâng tầm chất lượng – Những điều còn khó khăn
Trong đợt làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình hoạt động của ngành những tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Trong những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã quan tâm, đầu tư để lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động. Điều cần bây giờ là sự chủ động, linh hoạt, phát huy hết các công năng, nâng tầm, nâng chất các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, đờn ca tài tử, đảm bảo đủ sức phục vụ, cũng như có kế hoạch để khai thác, phát huy công năng, mở rộng hoạt động dịch vụ để có nguồn thu, không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách…”.
Đây là điều không dễ trong tình hình đội ngũ ca sĩ, diễn viên vẫn chưa thể đáp ứng, nhất là trẻ hóa đội ngũ. Trong khi Hậu Giang vẫn chưa có nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút ca sĩ, diễn viên có tầm. Từ đó, việc đáp ứng cho những chương trình nghệ thuật chất lượng cao chưa thể thực hiện trọn vẹn, cần đến sự hỗ trợ của lực lượng từ nơi khác. Lĩnh vực dàn dựng, hòa âm, phối khí cũng tương tự. Đành rằng có sự tham gia góp sức của nhiều lực lượng, chương trình sẽ đa dạng, nhưng cốt lõi vẫn là tạo được nét riêng của Hậu Giang từ những con người gắn bó với nơi này.
Đây là một trong những điểm khó, khiến cho hoạt động nghệ thuật ở Hậu Giang chưa thể nâng tầm như mong muốn, dù vẫn cố gắng duy trì hoạt động của Đoàn ca múa nhạc dân tộc, để xây dựng đội ngũ, tạo những chương trình chất lượng tham gia hội thi, hội diễn mang tầm khu vực, toàn quốc, dàn dựng chương trình phục vụ Nhân dân, sự kiện trong tỉnh.
Cùng với đó, việc nghiên cứu để phát huy giá trị hệ thống di tích, trong điều kiện Hậu Giang đang tập trung phát triển du lịch, cũng là điều đáng để suy nghĩ. Hơn 15 di tích cấp tỉnh, quốc gia trên địa bàn là một kho tàng tư liệu lịch sử, phục vụ những chuyến tham quan, về nguồn, giúp học sinh, sinh viên, người trẻ muốn tìm hiểu về cội nguồn, về lịch sử cha ông thời khai hoang, lập đất và công cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Hệ thống các di tích đang được bảo quản, duy tu tốt, đảm bảo cho công tác phục vụ. Hàng năm, những nơi này đều có lượng khách nhất định đến tham quan, học tập. Một số trường cũng đã đăng ký để dẫn học sinh đến tìm hiểu về lịch sử, dù chưa nhiều, nhưng chúng tôi rất mừng vì đã phát huy được giá trị của di tích”.
Tuy nhiên, Bảo tàng tỉnh hiện vẫn chưa có trụ sở, phải ở tạm, nên chưa thể tổ chức triển lãm, giới thiệu hàng ngàn hiện vật quý, đang được lưu giữ trong kho, chỉ có thể kết hợp triển lãm ảnh thành tựu các lĩnh vực của tỉnh mỗi khi có sự kiện, lễ hội. Đây là một thiệt thòi cho người dân Hậu Giang nói riêng, du khách nói chung, khi không có cơ hội chiêm ngưỡng những hiện vật với nhiều chủ đề, nhiều mốc thời gian, để biết thêm những kiến thức hay về lịch sử.
Để nâng tầm chất lượng hoạt động văn hóa – nghệ thuật, rất cần mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để có thể phát huy, xây dựng được những sản phẩm xứng tầm lĩnh vực này.
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ