Mỗi tác phẩm là một thông điệp về cuộc sống
Tác phẩm “Lối sống hiện đại” giúp anh đoạt huy chương vàng thể loại ảnh ý tưởng, anh hồ hởi: “Trong ảnh chính là tôi và vợ, mang thông điệp kết nối tình yêu lứa đôi trong nhịp sống hiện đại. Mỗi người không còn nhiều thời gian dành cho nhau, dành cho sự lãng mạn, vun đắp tình yêu bằng sự cảm thông, sẻ chia, quan tâm nhau. Chiếc máy tính, điện thoại thông minh làm cho sự ấm áp trong gia đình trở nên lạnh dần. Tôi nói điều này cũng là để tự nhắc nhở mình phải chừng mực và dành nhiều thời gian hơn để vun đắp cho mái ấm nhỏ”.
Tác phẩm “Lối sống hiện đại” khắc họa bức tranh cuộc sống thời công nghệ, nhân vật trong ảnh chính là tác giả Lê Tuấn Anh và vợ của mình.
Lê Tuấn Anh đang hưởng niềm hạnh phúc khi tìm được một người hiểu và thông cảm, chia sẻ, cảm thông cho công việc, cho niềm đam mê riêng của anh. Hai người đã vun đắp cho một tình yêu đẹp bằng sự thấu cảm, sẻ chia và đồng hành cùng nhau trong cả việc riêng, chung. Điều này giúp anh thuyết phục vợ để cùng gửi gắm thông điệp đến những bạn trẻ trước nhịp sống hối hả. Cuộc đời rất đẹp, cần khám phá, tận hưởng, nhưng cũng đừng quên giá trị của sự quan tâm, sẻ chia, để mỗi người cảm thông với nhau hơn, yêu thương nhau hơn.
Tình yêu và sự đồng cảm của người bạn đời giúp cho ý tưởng mới trong nghệ thuật của Lê Tuấn Anh như được chắp thêm đôi cánh thỏa thích vẫy vùng trên lãnh địa khoảnh khắc. Những câu chuyện mà anh chọn để kể cũng nhẹ nhàng, sâu lắng, bằng tình yêu của mình, nhưng thứ tình yêu này còn lớn hơn, sâu sắc hơn, vượt lên tình yêu đôi lứa, đó là quê hương, xứ sở.
Là người con của Hậu Giang, anh muốn kể câu chuyện lớn hơn, về văn hóa ngày tết Nam bộ trong bộ ảnh “Sắc màu phương Nam”, đã có những tác phẩm đầu tiên. Anh còn muốn có bộ ảnh hồn nhiên của tuổi thần tiên của chính những học trò của mình…
“Đi khắp nơi, mới thấy không đâu đẹp bằng quê mình…”
Tác phẩm “Khám phá chợ quê” gợi lên bao tự hào về quê hương, xứ sở thời hội nhập.
Lê Tuấn Anh là một trong những tác giả rất trẻ của Phân hội Nhiếp ảnh, với tuổi nghề khoảng 7 năm. Khoảng thời gian ấy ghi dấu những trải nghiệm tuyệt vời, tiếp cận với nhiếp ảnh bằng con mắt trong veo của tuổi trẻ, bằng sự nhiệt huyết khám phá cuộc sống của một sinh viên được bay bổng với từng khoảnh khắc.
Nghe câu chuyện anh kể, tôi khâm phục nỗ lực để có được những tấm ảnh đắt giá. Sự chỉn chu trong suy nghĩ đã mang cho anh những thành công nhiều người mơ ước. Với anh, những chuyến thực tế sáng tác cùng mọi người là dịp để anh ngắm nhìn, nghiền ngẫm tìm ra một ý tưởng. Sau chuyến đi là một câu chuyện được hình thành. Anh sẽ theo ý tưởng của mình, trở lại nơi đã đi để bắt đầu chụp những tấm ảnh đến khi nào ưng ý mới thôi.
“Lâu nhất có lẽ là tác phẩm “Trên cánh đồng chiều”. Tôi đã trở lại vùng khóm Cầu Đúc rất nhiều lần, canh cho bằng được khoảnh khắc người dân tưới khóm, hợp với ánh sáng của mặt trời sắp lặn. Mất mấy tháng mới có được tác phẩm ưng ý nhất của mình”, Tuấn Anh chia sẻ.
Trò chuyện với Tuấn Anh, thấy rõ sự chân thành, nhiệt huyết của một người luôn muốn tìm kiếm điều tốt đẹp của cuộc sống để thể hiện. Anh say mê “vẽ” câu chuyện từ những chuyến rong ruổi, khi được khơi đúng mạch. Với anh, cuộc sống tươi đẹp luôn thôi thúc anh tìm kiếm và thể hiện. Thời gian của một giáo viên không cho phép anh đi nhiều, đi xa. Nhưng khi có thể là Tuấn Anh khoác ba lô lên vai cùng chiếc xe máy lên đường.
“Tuấn Anh thích chụp mảng đề tài nào?”, tôi hỏi.
Tác phẩm “Hương vị quê nhà” miên man nỗi nhớ quê hương.
Anh không suy nghĩ mà trả lời ngay là cảnh đẹp làng quê luôn có sức hút mãnh liệt với mình. Anh muốn ghi lại những khoảnh khắc bắt gặp trên đường. Nhiều nét đẹp bình dị mà gợi nhớ ấy kết nối với nhau ở những khoảnh khắc khác nhau tạo nên một câu chuyện. Anh thích kể những câu chuyện nhẹ nhàng theo cách của mình, cách mà khoảnh khắc giúp anh tái hiện lại một bức tranh cuộc sống nên thơ, bình dị, mộc mạc.
Những ước muốn thật đẹp, thật nhân văn của tác giả Lê Tuấn Anh khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về hình ảnh quê hương thật đẹp, thật bình dị trong tác phẩm của Lê Tuấn Anh. Bỗng chợt nhớ đến bài hát “Quê hương” của Giáp Văn Thạch, phổ thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học. Con về rợp bướm vàng bay. Quê hương là con diều biếc. Tuổi thơ con thả trên đồng. Quê hương là con đò nhỏ. Êm đềm khua nước ven sông”…
Năm 2024, Lê Tuấn Anh đoạt huy chương vàng Cuộc thi và triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam với tác phẩm “Lối sống hiện đại”. Giải khuyến khích tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật ĐBSCL với tác phẩm “Sức hút Phú Quốc” và giải nhì cuộc thi ảnh cấp tỉnh với tác phẩm “Khám phá chợ quê”… |
Nhiếp ảnh Hậu Giang đạt nhiều thành tích nổi trội, tạo tiếng vang trong và ngoài nước
Trong 17 hội viên Phân hội Nhiếp ảnh, đã có 5 hội viên vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhiều tài năng phát triển từ cái nôi phân hội này. Giai đoạn 2020-2025, các tác giả đã đoạt 10 huy chương vàng (HCV), 9 huy chương bạc (HCB), 7 huy chương đồng (HCĐ), 38 bằng danh dự và 274 tác phẩm được triển lãm ở giải quốc tế. Giải toàn quốc có 3 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ, 4 giải khuyến khích và 23 tác phẩm được triển lãm. Giải khu vực ĐBSCL có 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, 5 giải khuyến khích và 37 tác phẩm được triển lãm. Trong số này, những tác giả tiêu biểu, có nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như Nguyễn Quốc Toàn, Lý Anh Lam, Trần Thủ An, Trần Trung Quân… |
VĨNH TRÀ