Mãi đến bây giờ Thiểu vẫn không quên được đôi mắt sâu xoáy nhìn Thiểu từ chiếc ghe lợp bằng lá dừa nước đậu ở ngã ba sông. Đôi mắt tròn xoe, vô hồn nhưng sâu xoáy, tựa như bên trong là một khoảng không tối tăm, mù mịt, có thể cuốn Thiểu vào đó mà nghiến, mà xay bất cứ lúc nào.
Ông Năm nốc hết chén rượu, cái bình trống trơn, ông ngồi đó nghêu ngao ca, toàn những lời ông tự bịa ra rồi nương theo điệu buồn của vọng cổ mà hát, giọng ông sền sệt, chắc bởi vì ông uống quá nhiều rượu trong cuộc đời của ông. Những chữ cuối cùng của câu vọng cổ tự dưng buông lơi, nhẹ hẫng, rớt xuống con sông buồn rồi theo sóng nước mải miết trôi ra sông lớn. Thiểu ngồi bên bếp lửa cạnh ông Năm, lửa đốt phải cái bọc ni-lông cháy khét lẹt, ông Năm ngó nghiêng, biết Thiểu đang buồn lòng nên ông không hát nữa. Bốn bề thinh lặng, chỉ có con sông là chảy trôi … róc rách …
– Bây buồn nữa hả Thiểu? Bây buồn hoài rồi cái buồn nó có trôi đi hay không? Hay nó cứ dai dẳng lấy bây, đau đến chết?
Say rượu nên ông Năm nói chữ đặng chữ mất, giọng ồ ề, mắt ông trắng dã qua màn lửa đỏ.
Thiểu vuốt tóc, mắt nhìn ra sông. Xa xăm. Thiểu thở dài não nuột! Đêm ở xứ này vốn buồn, cộng thêm cái buồn trong lòng Thiểu làm thành một nỗi buồn sâu thẳm. Nếu không có mấy ánh đèn măng-xông ở xóm chợ tít bên kia sông hắt xuống nước từng vệt sáng chắc Thiểu càng buồn bã và ngột ngạt hơn nữa.
Trên tấm chiếu rách, ông Năm đã ngủ tự hồi nào không biết, ông không đợi được câu trả lời của Thiểu mà say sưa ngủ, chắc vì rượu đã ngấm tận gan ruột, tan chảy trong từng tế bào của ông. Sợ đám muỗi đen từ dưới sông bay lên, Thiểu đứng dậy buông mùng cho ông Năm rồi ra sàn nước ngồi nhìn con sông lấp lánh bạc dưới trăng. Gió lồng lộng thổi.
Đêm nay, chiếc ghe nhỏ ấy lại về đậu bên kia sông, cách chỗ Thiểu một khoảng đủ để người đàn bà ngồi trong chiếc ghe ấy thấy được Thiểu. Tim Thiểu đập nhanh. Cái người ngồi trên ghe ấy, sau bao nhiêu năm vẫn không buông bỏ Thiểu, dong ghe về tận miệt muỗi mòng đỉa vắt này để kiếm để tìm. Thấy Thiểu rồi thì không nói gì, chỉ lặng lẽ quan sát Thiểu từ xa bằng một đôi mắt vô hồn, sâu xoáy.
Thiểu đã cố tránh ánh nhìn ấy. Chiếc ghe nhỏ trên có mái lá dừa nước khô rộp, trong ghe có ngọn đèn dầu loe loét hắt ánh sáng xuống lòng sông, và một người đàn bà tóc quấn gọn sau gáy ngồi lặng im dõi mắt ra sông … về phía Thiểu. Nhiều lần Thiểu định chèo xuồng qua sông, đến chỗ chiếc ghe ấy, hai người phụ nữ mặt đối mặt, Thiểu sẽ hỏi có uẩn khúc gì mà chị cứ bám riết lấy Thiểu, ngó xa ngó gần, có hôm còn chèo ghe đậu dưới tán cây Tra bông vàng gần căn chòi nhỏ của ông Năm để nhìn thấy Thiểu. Nhưng Thiểu không đủ can đảm để qua sông, chị ta cũng chẳng đủ dũng cảm để đến gần Thiểu, đối diện với Thiểu. Cứ như thế, hai con người lặng lẽ nhìn nhau, cái nhìn xa xôi, cái nhìn xuyên qua những lớp sóng bạc đầu. Những cái nhìn bí ẩn.
Mùa mưa năm nay đến sớm hơn mọi năm. Ông Năm cũng đã xé lá dừa nước cặp lại tấm vách căn chòi cho khỏi bị mưa tạt, ông bắc thang leo lên xóc nóc lại căn chòi, chặt mấy nhánh tra đã thôi trổ bông vàng để gió không quật vào mái chòi tơi bời. Mưa đến bất chợt, những đợt nước từ trên rớt xuống rỉ rả mặt sông, con sông cuồn cuộn chảy cuốn theo mấy vạt lục bình lênh đênh, bấp bênh như phận người. Ông Năm đã ra khỏi nhà từ hồi ông ngà ngà say, nói là đi qua bên kia sông lai rai mấy xị với đám người phát ruộng, chuẩn bị cày cấy. Trong căn chòi chỉ còn lại mình Thiểu, căn chòi xập xệ là chỗ che mưa, che nắng của Thiểu. Ông Năm với Thiểu cũng chẳng phải máu mủ ruột rà gì, chỉ tại ông Năm thấy Thiểu lang thang không chốn trở về nên cho Thiểu ở tạm, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, thương Thiểu như con cháu trong nhà. Trởi mưa vần vũ. Mấy đợt nước hất vào vách nhà xào xạc, xem chừng tới chiều con sông này đầy nước, có khi nước xâm xấp cái sàn nhà, Thiểu phải dời đồ đạc kẻo nước cuốn trôi.
Lòng Thiểu như lửa đốt. Căn chòi nhỏ xíu chỉ đủ để cái giường cũ cho Thiểu ngủ, cái bếp làm bằng mấy cây bình bát cắm xuống đất đã đâm chồi mấy lượt, cái cà-ràng … Thiểu đi ra đi vào, lóng nga lóng ngóng. Thiểu cũng không biết sao lòng mình lại rối như tơ vò, mà mắt cứ nhìn xa xăm về phía con nước đang lững lờ cuộn chảy. Hình như Thiểu đang tìm bóng dáng chiếc ghe nhỏ có mái lá dừa nước lợp hững hờ, hôm qua còn thấy nó lênh đênh bên kia sông cùng với đôi mắt quen nhìn về phía mình, dần dà Thiểu cũng không còn sợ nữa. Màn mưa trắng xóa che cả tầm nhìn, ngoài kia mênh mông bạt ngàn là nước, ngay cả cây Tra bông vàng kế bên, Thiểu còn không thấy nữa huống chi là bóng dáng một người đàn bà xa lắc giữa dòng sông.
Rồi mưa cũng vơi đi ít nhiều, chỉ còn con sông cuộn xiết. Mưa cứ như tấm màn sân khấu vén qua một bên để Thiểu thấy được dòng nước cuốn trôi đi rất nhiều thứ trước mắt mình. Giữa ngổn ngang lục bình, củi mục … lềnh bềnh, Thiểu để ý thấy có một sự sống đang lặn ngụp giữa dòng nước cuốn, Thiểu hốt hoảng. Mái lá nổi trôi, dòng nước ngày thường hiền hòa, giờ đây dữ dội trong giông bão, sẵn sàng cuốn trôi mọi thứ, kể cả cái sự sống đang gồng mình bám víu lấy những gì có thể để được cứu sinh. Lặng người đi trong khoảnh khắc, nước mắt tự dưng ứa ra, Thiểu vớ vội cái nón lá đội lên đầu, ngay lập tức phóng như bay xuống chiếc xuồng đang neo ở bờ, lấy cái đế dép Lào tát nước bì bõm rồi chèo nhanh ra giữa sông. Nước dập dềnh làm chiếc xuồng chèo chao đảo, Thiểu giữ lấy mái chèo, trụ chân mặt giữ lấy thăng bằng cho chiếc xuồng, nói trong tiếng mưa, tiếng sóng:
– Chị ơi, lên xuồng mau. Mau lên chị!
Người phụ nữ đưa cái tay lạnh ngắt, móp méo, trắng bệch vịn lấy be xuồng, gồng mình leo lên. Người chị ướt sũng, chắc đã ngâm nước quá lâu nên đôi môi tái nhợt, mái tóc dài bết sát vào cổ, vào ngực, vào lưng … Nhìn người kia run rẩy, tự dưng Thiểu muốn khóc rồi nhớ lại cái lần Thiểu qua sông cũng bị chìm xuồng, cũng suýt chết đuối. Trọng đã cứu lấy Thiểu, đưa Thiểu về nhà, đốt lò cho Thiểu sưởi ấm, Trọng đã cưu mang Thiểu suốt một mùa mưa, vợ Trọng cũng kẹt lại nhà ngoại suốt một mùa mưa. Trong căn nhà nhỏ có bộ trường kỷ mấy đời để lại, Thiểu quét tước, ra vào, nấu cơm, rửa chén. Thiểu đi tắm, Trọng lấy cái khăn rằn vắt ở đầu giường của vợ chờ đưa cho Thiểu lau tóc, lau mình. Đêm, thấy Thiểu nằm một mình ở bộ ván trước nhà buồn rười rượi, Trọng ngỏ lời mời Thiểu vào trong buồng mà ngủ cho ấm. Một mình ngoài đó, nghe tiếng mưa đêm, nghe tiếng ếch nhái kêu oải oạp tự dưng lại rớt nước mắt cho coi …
… Cái xóm nhỏ thấy chị chèo ghe về nhà sau khi mùa mưa đã dứt, được dịp xôn xao, mấy người đàn bà chạy ra lếu tếu với chị chuyện Trọng dẫn người con gái khác về nhà khi chị đi vắng. Nhịp chèo lỏng lẻo, chị bàng hoàng, lòng buồn như bông điệp xé đôi. Chị cập xuồng ở cái bến dưới sông bước lên nhà, Trọng ngồi gọt gọt đẽo đẽo cái gì ở dưới gốc cây nhãn, thấy chị về, Trọng nhìn chị cười hiền, hỏi một câu ngọt sớt: “Mình về rồi đó hả?” như chưa có chuyện gì xảy ra. Lòng chị rối beng. Chị cười gượng rồi đi vào trong nhà tìm tìm kiếm kiếm … nhà cửa sạch sẽ, bộ trường kỷ được lau bóng loáng không một hột bụi bám vào. Mà nhà cửa vắng tanh, bếp vẫn còn âm ấm. Chị ngồi thụp xuống góc bếp, khóc rưng rức, Trọng nghe tiếng chị nức nở, lòng Trọng cũng đau nhói như kim châm.
Chị quyết định xuống ghe bắt đầu một chuyến đi dài sau mấy mươi đêm ngủ với Trọng mà chị xoay mặt sang hướng khác. Thật lòng thì chị không giận Trọng, người đàn ông khao khát có được tiếng cười con trẻ trong căn nhà này. Trọng vẫn thường mơ về những đứa trẻ chạy lon ton đùa giỡn dưới gốc cây nhãn, chân nó lấm bùn, Trọng sẽ cõng con xuống bến sông rửa chân, đứa nhỏ sẽ tíu tít gọi Trọng là “ba”, gọi chị là “má”. Con trai hay con gái cũng được, Trọng không đòi hỏi, miễn là con Trọng thì Trọng sẽ hết mực yêu thương, nhưng chị tiếc rằng mình không thể sinh con, sau một đợt bệnh nặng, cái thứ quý nhất của người phụ nữ có thể giúp người đàn ông duy trì nòi giống, chị cũng không giữ lấy được. Chị xót xa, bao giờ cũng nghĩ rằng mình có lỗi, mình là tội đồ, bởi vậy chị ráng kìm nén lòng mình mỗi khi thấy Trọng ngắm nhìn người phụ nữ khác. Nhiều lúc chị nghĩ đến chuyện đường hay nấy đi, chị muốn Trọng đến với một người phụ nữ khác, đàn ông đàn ang, đâu thể sống cảnh không con để mai sau bàn thờ lạnh tanh không chút hương khói!
Hỏi han, dò đường… cuối cùng chị cũng chèo ghe tới được xứ này, con sông bồng bềnh vắt ngang qua những đau, buồn, hạnh phúc hay mất mát. Chị đậu ghe cạnh chỗ Thiểu, nhìn Thiểu, nhưng chị chưa dám ngỏ lời, còn Thiểu vẫn trong tâm lý sợ sệt khi nghĩ về một vụ đánh ghen kinh thiên động địa như từng nghe người ta kể, nào là cắt tóc, xé đồ, thậm chí nhỏ keo dán vào chỗ kín của người đàn bà để chừa cái thói lang chạ với người đàn ông có vợ.
Nhưng chị không làm như vậy, chị đến xứ này với tâm thế là một kẻ nhờ vả, hàm ơn.
Mũi xuồng cập bến, Thiểu gác mái chèo, cột dây rồi đưa người phụ nữ lên chòi sưởi lửa cho ấm. Người chị héo hon … và Thiểu sững người, chết lặng khi nghe chị buông một câu mà bất kể ai nghe được, hiểu được chắc cũng rớt nước mắt:
– Em ơi, trở về với chồng chị đi em, chị không hận em, chị cần em và chồng chị cũng cần em!
Trời ơi! có người đàn bà nào trên cõi đời này lại cầu xin kẻ khác về với chồng mình, làm vợ chồng mình? nghe mà đứt ruột, đứt gan. Chị không phải người điên, chị tỉnh hơn bao giờ hết, chị khẩn cầu Thiểu, Thiểu cũng không biết mình phải nói gì trong lúc này, chỉ im lặng mà nước mắt cũng ứa ra từng dòng âm ấm trên khuôn mặt lạnh tái.
Mưa đã ngừng hẳn. Dòng sông cũng đã thôi cuộn xiết, trở lại dòng chảy êm ái, lơ lửng, hồn nhiên. Dòng sông đã chảy ngang qua cuộc đời của Thiểu, dòng sông đưa chị lên bờ để đôi mắt xoáy sâu kia trở nên hiền lành, tình cảm và đáng thương khi nhìn Thiểu. Trong căn chòi bấy giờ chỉ còn Thiểu và người đàn bà lạ; ngoài kia, xác chiếc ghe có mái lá dừa nước lợp hờ hững trôi lặng lờ. Tự dưng Thiểu thương chiếc ghe, mà thương cả người đàn bà nữa …
Chần chừ! suy nghĩ! cuối cùng Thiểu cũng từ giã ông Năm theo chị về ngôi nhà có bộ trường kỷ mấy đời bóng loáng và quý giá. Ngồi trong mui ghe, Thiểu im lặng nhìn sóng nước lăn tăn, thi thoảng Thiểu gặp cụm lục bình trôi có bông tím ngát, Thiểu đưa tay ngắt một bông đưa lên mắt nhìn. Mỉm cười. Đời Thiểu cũng như đám lục bình lênh đênh, rày đây, mai đó, biết nơi đâu là bến đỗ của cuộc đời. Chị chèo chiếc ghe, mái chèo vỗ sóng, chốc chốc chị lại khom người ngó vào trong ghe nhìn Thiểu cười một cách vô ưu, vô lo. Mái chèo khỏa nước đưa chiếc ghe băng băng về xóm nhỏ, Thiểu nghĩ về đời mình, về những năm tháng kế tiếp. Không biết những năm tháng đó sẽ như thế nào, buồn vui, xa xót … nhưng Thiểu sẽ sống tốt bên chị, bên anh, sẽ làm tốt bổn phận của một người mẹ đang mang trong bụng giọt máu của Trọng. Đứa con ấy, Thiểu sẽ đặt tên cho nó là Trọng Tình, Trọng Nghĩa … Đứa con ấy, Thiểu mặc định nó là con của người đàn bà đang chèo ghe với Trọng chứ không phải là con của Thiểu. Ừ! mà Thiểu rứt ruột đẻ ra sao lại không phải là con của Thiểu được? Thôi thì là con của cả ba. Thiểu đưa tay sờ lên bụng mình, ở đó có một cơ thể sống đang lớn lên từng ngày.
… Đến bây giờ, Thiểu vẫn còn ngỡ ngàng như không phải mình đang sống trong căn nhà của Trọng và chị. Ngồi ngoài hàng ba nhìn đứa nhỏ nắm tay chị xuống bến sông vo gạo, giặt đồ, tự dưng Thiểu thấy lòng mình rộn rã. Thiểu là má, còn chị chính là mẹ, duy nhất đứa nhỏ chỉ gọi mỗi mình Trọng là ba. Đó là ước mơ lớn nhất trong cuộc đời của Trọng và của chị. Mưa rơi lấm tấm, ngoài sông, con nước lại đầy, Thiểu bỗng nhớ lại ngày nào chị trôi nổi trên sông, ngày nào Thiểu chèo xuồng ra cứu lấy chị giữa dòng nước xiết. Và xa hơn nữa, là ký ức về những ngày Thiểu êm đềm bên người đàn ông mà Thiểu hứa sẽ sinh con cho anh, sẽ đặt tên con là Trọng Tình, Trọng Nghĩa … bởi “Trọng” chính là tên của anh. Những ngày đó, người đàn ông Thiểu yêu vẫn còn độc thân, hứa hẹn sẽ mang trầu cau sang nhà đón Thiểu về cho đúng lễ, nhưng vì mẹ anh ngăn cấm, không chấp nhận đứa con dâu côi cút, không thân thích, họ hàng …
Nhưng rồi Thiểu đã thực hiện được lời hứa năm nào của mình với Trọng. Đứa nhỏ – Trọng Nghĩa – chính là tình yêu mà Thiểu dành cho anh, lòng biết ơn mà Thiểu dành cho chị. Trọng Nghĩa, cái tên ấy Thiểu sẽ mang theo suốt cả cuộc đời, nụ cười ấy Thiểu sẽ gìn giữ trong sâu thẳm tâm hồn mình, những kỷ niệm đẹp đẽ ấy Thiểu sẽ mang theo trong chuyến đi dài đằng đẵng sắp tới, chuyến đi mà chính Thiểu cũng không biết bao giờ mới gặp lại nhau …
Thiểu từng nghe ai đó nói với mình một câu mà họ đọc được từ trang sách quý, rằng: “Gì lửng lơ cũng được, chứ tình yêu thì không!”.
Phải rồi! làm gì có chuyện hai người phụ nữ cùng chung sống với một người đàn ông, một đứa nhỏ kia chứ …!!!
Hoàng Khánh Duy