HƠI THỞ CỦA ĐẤT
Hạt Huyền
Buổi sáng ở miền quê mát rượi yên ả, có đôi chim chiền chiện đậu trên cây sầu riêng vui vẻ hát vang điệu nhạc du dương vút lên nền trời xanh thẳm, Ông Tư từ từ (điều) khiển chiếc xuồng chở máy bơm nước qua các con mương bao bọc quanh vườn sầu riêng. Bây giờ là đầu tháng Chạp, sầu riêng đang bắt đầu trổ bông; những chùm bông xanh biếc đang từ từ hé nở để lộ ra những cánh bông trắng như làn da mịn màng của cô thiếu nữ đang bắt đầu trổ mã, từng đàn ong mật rì rào cần mẫn vờn quanh những cánh sầu riêng mới hé nhụy. Mùi hương ngọt ngào nồng nàn theo gió lan tỏa khắp không gian, mùi hoa vấn vương quyện vào tóc, vào áo của ai đi qua vườn sầu riêng. Ông Tư sung sướng hít mạnh mùi thơm quyến rũ đến căng lồng ngực, cảm thấy sảng khoái, yêu đời, thấy mình như trở lại thời trai tráng, ông chậm rãi vuốt ve từng thân, từng lá cây sầu riêng như âu yếm những đứa con bé bỏng. Kí ức xa xưa thoáng chốc ngập tràn tâm trí ông …
Ngày ấy, ông Tư là một chàng thanh niên trạc tuổi đôi mươi, anh Tư nhà nghèo, ở tận miệt Hồng Dân đất nhiễm mặn, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa. Mùa khô, nước biển tràn vô ruộng, hột lúa sạ xuống không nảy mầm, những hột có sức đề kháng mạnh thì nảy mầm nhưng gặp nước mặn dần dần lá mạ non nớt héo lại rồi lụi dần, người dân chuyển sang trồng lúa một vụ, nuôi tôm một vụ. Thấy bà con nuôi tôm trúng, sắm vỏ lãi, cất nhà ngói, anh Tư bắt chước làm theo nhưng do không am hiểu kĩ thuật nên thất mấy vụ liền. Bất mãn, anh nhảy tót lên ghe thương hồ, chở mướn hàng nông sản từ miệt Bạc Liêu, Sóc Trăng lên Hậu Giang, Cần Thơ ngót nghét hơn năm năm trời. Một hôm ghe chở mắm, ba khía, cá khô, tôm khô các loại của anh cập bến ở chợ Ngã Bảy. Trong lúc chờ ông chủ đi giao hàng anh Tư ngồi trên mui ghe ca vọng cổ cho đỡ buồn:
– “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra … chào … Cửa nhà cô đã khép kín tự hôm nào …”
Một ông già mặc bộ đồ bà ba trắng, cổ quấn khăn rằn trên chiếc ghe cặp bên hỏi cắc cớ:
– Ghe bán chiếu mà sao chở toàn khô vậy chú em? Ha ha ha …
Giọng nói và tiếng cười nghe thiệt là hiền làm rung rung chòm râu bạc. Anh Tư gãi đầu cười lỏn lẻn:
– Dạ, tại tới Ngã Bảy mênh mang con nước chảy, con tức cảnh sinh tình, chợt nhớ bài “Tình anh bán chiếu” Út Trà Ôn ca, mà … mà con ca dở tệ phải không bác?
– Đừng nên so sánh mình với người khác chớ cháu! Mỗi người đều có cái hay riêng! – Ông già bỗng trở nên nghiêm nghị, trầm tư.
– Dạ con cảm ơn bác! Thiệt tình con xách dép cho Út Trà Ôn còn không đáng!
– Lại nữa rồi …Nè, nè! đừng có hạ thấp mình như vậy nghe chưa?
Ông già quấn điếu thuốc rê, bật hộp quẹt, châm lửa hút. Ông lại hỏi:
– Chú em tên gì? Thứ mấy? Nhà ở đâu? Chẳng hay làm chủ hay đi ghe mướn cho người ta?
Thấy ông già thân thiện, anh Tư trả lời thiệt tình:
– Dạ con tên Tư, cũng thứ Tư, nhà ở Hồng Dân, mần lúa, nuôi tôm thất mấy vụ liền nên đi ghe mướn cho ông chủ cũng được năm năm rồi!
– Cơ khổ hôn? – Ông già tặc lưỡi một cái rồi tiếp – Tui thấy chú em mặt mày sáng sủa, nói chuyện cũng hiền lành, chú em có muốn lên miệt Ngã Bảy, Phụng Hiệp này lập nghiệp hôn, tui gả con gái cho?
Anh Tư ngượng nghịu đỏ bừng cả hai má chưa biết nói sao thì nghe một giọng con gái lanh lảnh cất lên:
– Tía chờ nãy giờ lâu hôn tía? Bữa nay mới mười sáu tháng Chạp mà chợ đông quá trời, con chen thiếu điều muốn mất thở mới ra được khỏi chợ đó!
Anh Tư ngó qua dòm thì thấy một cô gái trạc mười chín hai mươi bận áo bà ba tay xách nách mang bao nhiêu là thứ. Nhanh nhảu, anh nhảy lên bờ đưa tay đón:
– Cô để tui xách tiếp một tay!
Cô gái ngước mắt lên mỉm cười. Anh Tư thấy hơi loạng choạng. Trời ơi! Đôi mắt đen lay láy to tròn như hai hột nhãn, hai cái lúm đồng tiền xinh quá đỗi! Anh Tư để đồ đạc gọn vô ghe rồi nhảy qua ghe mình, mắt vẫn không rời khỏi cô gái. Ông già điềm tĩnh cất giọng:
– Con Út mua đầy đủ đồ đạc má bây dặn chưa? Một hồi về bả kiểm lại thấy thiếu là cằn nhằn miết cho coi!
Cô gái giở chiếc nón lá ra quạt, mấy sợi tóc mai bết mồ hôi trên trán:
– Dạ đủ hết rồi tía! Con có mua cả thuốc rê cho tía với mấy ốp trầu cho má nữa nè!
Thấy anh Tư cứ ngó con Út lom lom, ông già đằng hắng:
– Con Út nhà tui đó! Chú em có muốn về làm rể không?
Cô gái chưa hiểu ất giáp gì nên sượng trân. Anh Tư chấp tay trước ngực vái lia lịa:
– Dạ bác nói thiệt không bác? Nếu được bác thương cô Út đoái hoài tới, con nguyện suốt đời làm cho cô Út được hạnh phúc …!
Cô Út ngúng nguẩy:
– Tía nói gì vậy tía? Tự nhiên tía gả con cho người ta hà?
– Tía không có ép buộc con đâu? Tía cho tụi con nói chuyện với nhau, hạp thì ưng, không thì thôi chớ có sao đâu!
Anh Tư hỏi thăm chỗ ở nhà ông già. Ổng nói: “Cháu vô Vàm Ông Hoạch, hỏi thăm ông Ba Hiền ai cũng biết”. Chiếc ghe máy đuôi tôm của ông già lướt nhẹ rồi khuất vào một nhánh sông Ngã Bảy. Anh Tư nhìn theo trời nước mênh mang tâm tư đầy ắp hình bóng cô Út thân yêu. Giao hàng xong, anh tạm biệt ông chủ rồi quá giang một chiếc ghe tam bản để vô tận Vàm Ông Hoạch. Qua mấy bận đi đò, hỏi thăm cả chục người, anh phải đi lòng vòng qua mấy con rạch, không có cầu phải lội sông qua. Cũng hên là anh gặp toàn người tốt, ai cũng sốt sắng chỉ đường nhưng tên trùng tên, Vàm ông Hoạch có tới bốn ông Ba Hiền nhưng chỉ có một ông Ba Hiền có con gái tên Út Quỳnh. Cuối cùng anh đi nhờ chiếc ghe chở trái cây và vô đúng nhà cô Út.
Gần nửa tháng trời anh ở lì ngoài chòi canh vườn xoài, đu đủ cho nhà ông Ba. Nhà có hơn hai mươi công vườn trồng cây ăn trái. Mùa này đu đủ và xoài sắp thu hoạch nên phải cất chòi ngủ để canh, ngày thì đi tưới cây, mần cỏ, bón phân, chiết cây, tối thức canh vườn mà anh Tư không hở ra một tiếng than. Ngày hai bữa, cô Út nấu cơm rồi bưng ra tận chòi cho anh. Bắt chuyện với cô Út, anh biết được bác Ba có đến năm người con, ba người đã lập gia đình, chỉ còn anh Năm với cô Út ở nhà. Nhưng anh Năm lại mê đờn ca tài tử nên rày đây mai đó, cứ xách cây đờn kìm đi miết, vườn tược không ai trông nom nên tía phải mướn nhân công, ngặt nỗi họ có tính tắt mắt hay ăn cắp nên tía ghét, không mướn nữa. Tía tuổi già sức yếu rồi nên chưa biết tính sao, nếu sang bớt cho người ta thì tiếc mà để lại thì làm không xuể.
Những buổi đi đưa cơm của cô Út cứ mỗi ngày một lâu hơn. Ông già sinh nghi. Một hôm ông cho gọi hai người lên nhà trên rồi hỏi:
– Hổm nay tía thấy tụi con trò chuyện cũng ra chiều tâm đầu ý hợp. Tía hỏi thiệt: Con Út có thương thằng Tư không? Tao gả. Còn thằng Tư có thương con Út thì về nhà kêu cha mẹ đem trầu cau lên đây! Tía làm đám cưới cho tụi bây!
Cô Út bẽn lẽn chạy vào trong buồng. Anh Tư quỳ xuống lạy tạ:
– Con cám ơn tía nhiều lắm! Phận con nghèo lang bạt được tía má thương. Thiệt tình con cũng thương cô Út … nhưng ngặt nỗi …
– Bây còn sợ chuyện chi?
– Dạ, con sợ các anh chị cho rằng con thấy tía khá giả rồi định đào mỏ …
Ông Ba đấm tay xuống bàn cái rầm:
– Đứa nào cũng được chia cho mười công hết rồi. Còn hai mươi công này tao chừa cho con Út. Đứa nào dám hó hé … tao từ …!
Đúng ngày mùng sáu tháng Giêng, nhà cô Út rôm rả tiếng pháo nổ. Cô dâu chú rể lạy bàn thờ tổ tiên, cha mẹ hai bên, chính thức ra mắt họ hàng.
Anh Tư ở rể, được tía vợ dạy cho cách chiết cây, bón phân, làm cỏ, thụ phấn cho cây. Ngoài những loại cây ăn trái ngắn hạn, anh Tư khăn gói lên tận miệt Phong Điền mua giống sầu riêng Ri 6 về trồng thử. Vườn sầu riêng xanh mơn mởn, sắp ra bông cũng là lúc anh Năm thua bài bạc, nợ nần chồng chất nên òn ỉ tía má bán vườn để trả nợ, ngày nào nhà cũng bị chủ nợ mướn xã hội đen đe dọa nên tía phải cắt mười công vườn cho anh Năm. Mấy tháng sau anh Hai nuôi heo bị dịch bệnh nên cả trang trại đi xuôi. Anh về xin tía cho mượn vốn mua con giống để gầy lại. Ông già đớn đau bất lực:
– Tụi bây toàn lũ ăn hại! Tụi bây tưởng tao nhiều tiền lắm sao cứ hết đứa này tới đứa kia về đòi?
Nói thì nói vậy chớ có cha mẹ nào đành lòng nhìn con mình khổ. Vậy là mảnh đất của ông bà ngày một teo tóp lại chỉ còn có năm công. Rầu lo, tía má lần lượt qua đời. Tội nghiệp, trước khi nhắm mắt xuôi tay ông còn căn dặn:
– Vợ chồng con Út nhớ giữ mảnh đất … để làm hương hỏa … nghen con …!
Cái giây phút hấp hối và những lời trối trăng của tía khứa sâu vào vết thương nhức nhối trong lòng anh Tư. Mười năm trời, anh nai lưng ra đắp đất be bờ, chăm chút từng cái tược sầu riêng nhỏ xíu, biết bao mồ hôi của anh đã đổ xuống miếng vườn, vậy mà vẫn mang tiếng là “ở rể”, “ăn bám”. Dù anh biết vợ con thương mình rất nhiều, nhưng thân ở rể như chó chui gầm chạn, nó nhục lắm. Anh quyết phục thù, không để cho anh chị bên vợ khinh mình. Anh lên Cần Thơ, dự những buổi thảo luận về kĩ thuật cây trồng vật nuôi, ở đâu có những nhà vườn nổi tiếng, có cách làm hay anh đều lặn lội tìm tới để học tập. Anh thường xuyên theo dõi báo đài để tìm đầu ra cho sản phẩm … Nhờ chăm chỉ, thông minh, chịu khó, mô hình vườn-ao-chuồng của anh đạt hiệu quả cao, khấm khá hẳn lên. Có tiền tỉ trong tay, anh Tư mua lại vườn của tía đã bán để trả nợ cho các anh vợ … hai mươi công đất lần lượt về với chủ cũ. Những hàng sầu riêng trải dài tít tắp cùng đàn dê cho sữa ngọt giúp vợ chồng anh nuôi hai đứa con học thành tài. Thấm thoắt mà con gái anh đã là cô bác sĩ tim mạch, con trai anh là một chiến sĩ công an. Anh mở mày mở mặt với hàng xóm láng giềng. Họ hàng không dám hó hé đến chữ “đào mỏ” như dạo trước nữa.
Ông bà mình nói “gieo nhân nào gặt quả đó” thiệt là đúng. Mấy đứa con anh Hai học hành ba mớ không thi đậu tốt nghiệp nên đứa thì lấy chồng Đài Loan, đứa ở nhà có vợ rồi hổng biết làm gì nên vợ chồng cãi lộn suốt. Còn anh Năm qua Hàn Quốc rồi ở luôn bên đó, nghe nói cực khổ lắm. Nghĩ cũng buồn nhưng … Thôi! Mình lo phận mình đi chớ biết sao mà lo cho hết được!
…
Cái tin dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng trên báo, đài được cả xóm bàn tán rôm rả. Ngoài quán cà phê, mọi người truyền nhau về quy hoạch đất đai, nghe đâu xóm ông Tư bị dính vô quy hoạch. Người của Sở Tài nguyên môi trường về xóm ngắm nghía, đo đạc, bắn tọa độ … Họ nói cao tốc chạy xéo qua khu vườn sầu riêng của ông, ông mong đó chỉ là tin đồn rồi cầu mong cho họ sẽ cho con lộ rẽ qua hướng khác …
Một tuần sau ông nhận được thông báo thu hồi đất của Ủy ban huyện. Vậy là đúng thiệt rồi! Mảnh đất của ông bị mất gần bốn công, phần còn lại nằm hai bên lộ cao tốc. Vậy là hết! Con lộ quái ác kia như một mũi tên cứa trái tim ông đau đớn, âm thầm rỉ máu. Cầm tờ giấy thông báo thu hồi đất mà hai tay ông run cầm cập. mồ hôi túa ra như tắm. Cả người ông lạnh ngắt! Tối đó ông sốt mê man. Trong cơn mê, ông thấy hiện lên hình ảnh anh trai trẻ rong ruổi trên những chiếc ghe thương hồ xuôi ngược trên các con sông, cực khổ biết chừng nào nhưng không dám than thở. Ông thấy cô gái xinh có má lúm đồng tiền e ấp, rồi những người anh vợ chỉ biết moi tiền của tía má. Một ông già râu tóc bạc phơ với giọng van nài tha thiết: “Nhớ giữ gìn mảnh đất này nghen con!” Không! Không! Đừng lấy đất của tôi! Đừng! Đừng! Ông Tư đạp mạnh chân rồi giật mình choàng tỉnh. Xung quanh là một màu trắng toát. Định thần lại, ông thấy mình nằm trên chiếc gường sắt trong bệnh viện. Bà Tư đang xoa chiếc khăn ấm nhè nhẹ lên trán ông. Thì ra chỉ là một giấc mơ!
Một tuần lễ sau ông được ra viện, người vẫn còn mỏi nhừ nhưng vừa về tới nhà là ông lại ra vườn, vuốt ve từng thân cây sầu riêng như người cha nựng nịu những đứa con ngoan. Ông ngước mắt lên nhìn từng chùm bông sầu riêng nở trắng mà thấy thương yêu và đau đớn ngập lòng. Cả cuộc đời gắn bó với đất, cày xới cho đất mỡ màng để bật lên những chồi non, rồi chăm từng chồi non đến thành cây, háo hức đợi chờ cây ra bông kết trái … Làm sao mà không xót không thương cho được! Nghĩ tới cảnh những cây sầu riêng bị dày xéo ngã gục dưới chiếc lưỡi hung hăng của những chiếc xáng cuốc mà ông đau đớn như bị cắt lìa từng bộ phận thân thể. Suốt cả tháng trời, ông Tư cứ vào ra ngơ ngẩn như người mất hồn.
Con trai ông thấy cha buồn cũng không dám hỏi chi hết. Bà Tư khuyên lơn ông đủ kiểu nhưng ông vẫn cương quyết:
– Đất là máu thịt của tui! Ai muốn lấy miếng đất này phải bước qua xác tui!
Cả xóm im lìm nặng nề. Gặp nhau họ không còn vui vẻ hỏi thăm bàn chuyện làm ăn mà chỉ xôn xao về việc bị thu hồi đất. Người tỏ vẻ thích thú vì đất của họ bỏ hoang, nay nhà nước thu hồi sẽ bồi thường cho họ một số tiền để xây nhà, sắm xe, người thì nói đất là của nhà nước quản lí, mình chỉ được sử dụng, khi nào nhà nước cần thì mình phải trả lại, người lại bóng gió nói hai con ông là viên chức nhà nước, lại là đảng viên, nếu ông không chấp hành chủ trương, đường lối thì con ông sẽ bị vạ lây … ôi thôi, đủ kiểu!
Chỉ có vợ chồng thằng Hùng con anh Hai là mừng ra mặt vì mới nghe tin có một nhà máy chế biến nông sản sắp mở ra, chỉ cách nhà mình ba bốn cây số, vợ chồng nó sẽ xin vô đó làm công nhân. Chính quyền đến nhà thuyết phục ông Tư giao đất để dự án nhanh chóng được hoàn thành. Chú Minh chủ tịch nói dự án cao tốc sẽ không những giúp cho kinh tế tỉnh mình phát triển mà còn giúp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long mở ra nhiều triển vọng, sẽ thu hút được doanh nghiệp về mở nhà máy, xí nghiệp, dân mình sẽ không còn cảnh tha hương cầu thực nữa mà được làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Ông Tư bị mất một phần đất cho dự án nhưng ông sẽ được lợi rất nhiều; sầu riêng và sữa dê của ông sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, sẽ không còn tình trạng “Mất mùa được giá, được mùa mất giá” nữa … Ông Tư bán tín bán nghi:
– Cái nhà máy đó chừng nào có? Mấy chú biết chưa mà nói như đinh đóng cột vậy? …
Chú Minh về rồi, bà Tư bưng tô cháo cá lóc nóng hổi đến giục chồng ăn cho khỏe. Bà Tư vô tình nhìn lên bàn thờ rồi như chợt nhớ ra:
– Sắp tới ngày giỗ thằng Hai rồi ông hén?
– Ừ! Bà nhắc tui mới nhớ … Tội nghiệp …Nếu hồi đó có cái lộ xe trước cửa như bây giờ thì đâu đến nỗi!
Thằng Hai là đứa con đầu lòng của ông bà Tư, hồi biết vợ cấn bầu, ông Tư vui mừng không sao kể xiết, vợ thèm ăn món gì là ông cũng đi mua cho bằng được dù trời mưa gió hay đêm hôm. Ông thích đặt tay lên bụng bầu của vợ để cảm thấy đứa nhỏ đạp. Mới tám tháng mà nó đạp mạnh dữ, có lần ông nắm được cái chân nó. Ông hay trò chuyện cùng con:
– Con ơi! Con là con trai hay con gái vậy? Nếu là con trai thì mơi mốt làm kĩ sư xây dựng để xây nhà cho bà con mình ở nha! Còn nếu là con gái thì con làm cô giáo dạy học ở trường gần nhà mình nghen con!
Hồi đó, xóm này toàn nhà lợp bằng lá dừa nước. Nhà ai sang lắm thì kê tán, dừng vách ván, lợp tôn. Cái xóm heo hút nên giáo viên về dạy được vài tháng thì than buồn rồi lại trở lên Cần Thơ, vì vậy ai có con cũng mơ ước lớn lên nó làm giáo viên để có thể neo đậu lâu dài ở đây. Ông Tư cũng có cùng khao khát đó. Vậy mà … ông mất đứa con đó mãi mãi … Đêm đó vợ ông chuyển dạ dù chưa tới ngày sanh, Ông Tư đỡ vợ xuống ghe rồi đẩy ghe từ mương ra sông. Ông giựt máy Cô-le nhưng chân vịt chạm vào sình; đang đêm mùng mười nước kém, lại lúc nước ròng nên sông sát khô. Thấy vợ đau bụng rên dữ quá nên ông nhảy đại xuống đẩy ghe. Ông ráng đẩy cả khúc sông dài nhưng chưa tới trạm y tế thì đứa nhỏ đã ra, trời tối, trên bờ lại ngay khúc vắng nên có la làng cũng hổng ai nghe. Tới chợ Cái Chanh, ông hối hả ẵm hai mẹ con lên trạm thì chỉ cứu được mẹ. Sự việc ấy làm ông ân hận ray rứt suốt thời gian dài. Ông tự trách mình sao quá chậm chạp, lại trách trời trách đất, ông ước quê mình có cái lộ xe để giao thông được dễ dàng hơn. Vậy là năm năm sau, con lộ nhựa phẳng phiu thẳng tắp chạy qua xã ông. Cả xóm vui như ngày hội. Ai cũng tự nguyện hiến đất để làm lộ mà không tính chuyện được bồi thường bao nhiêu, bởi ai cũng thấy con lộ gắn bó thiết thực tới lợi ích bản thân mình, gia đình mình. Nhờ con lộ mà hai đứa con sau của ông ăn học thành tài. Nếu hồi đó có lộ xe như bây giờ thì ông có được ba đứa con luôn rồi!
Ông Tư nghĩ vẩn vơ rồi nhớ tới lời chú Minh chủ tịch huyện nói: “Đất thì ai cũng quý cũng thương, đất như máu nuôi sống mình. Đối với người nông dân cần cù, gắn bó với đất như anh thì đất như con như cháu. Trước đây anh đã hiến đất làm lộ vì lợi ích gia đình mình, nay anh giao một phần đất lại cho nhà nước cũng coi như là cống hiến để làm giàu cho quê hương. Hổng lẽ không thấy xót xa cho dân xứ mình phải đi Bình Dương làm mướn hoài sao anh Tư? Xứ mình giờ còn toàn ông già bà cả và con nít, có những cặp vợ chồng sanh con ra rồi bỏ cho ông bà nuôi để đi tha hương cầu thực. Ở lại quê thì thu nhập bấp bênh, đi làm ăn nơi xứ người thì cay đắng lắm … anh Tư ơi!”
Ông Tư nhớ lại cảnh sum họp trong Tết và cảnh chia tay sau Tết của những gia đình có con đi làm ở Bình Dương, Sài Gòn. Những đứa con nít còn ẵm ngửa đã phải rời xa cha mẹ trông mới não nề xót xa làm sao! Bất giác hai dòng nước mắt ông rơi xuống, cổ họng ông nghẹn lại. Ông lăn qua trở lại suốt đêm. Sáng sớm, ông ăn mặc chỉnh tề rồi dắt xe máy ra cổng, chưa kịp ăn tô mì bà Tư mới nấu.
– Mới sáng bảnh mắt mà ông định đi đâu vậy?
– Tui hẹn đi ăn sáng rồi uống cà phê với chú Minh chủ tịch. Lát nữa tui về!
Cuộc gặp gỡ với chú Minh đã làm ông Tư tươi tỉnh trở lại. Ông có dịp bày tỏ tâm tư tình cảm của mình và đồng ý giao đất cho nhà nước làm lộ cao tốc. Chú Minh hơi ngạc nhiên nhưng sau khi nghe hết tâm sự của ông Tư, chú hiểu được lòng yêu đất, yêu quê hương của ông Tư. Người nông dân một lòng thương đất nhưng cũng giàu lòng nhân ái, họ sẵn sàng đi theo chủ trương của Đảng, đường lối của Nhà nước nếu họ thấy thiết thực, hợp lí, có lợi cho dân cho nước. Hơn bao giờ hết, người lãnh đạo ấy thấm thía lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Chuyện ông Tư đồng ý giao đất để làm dự án cao tốc thoáng chốc đã lan khắp xóm. Như một phản ứng dây chuyền, ai cũng làm theo ông Tư khi được các cấp lãnh đạo thuyết phục. Hai đứa con ông Tư vừa vui mừng nhưng cũng vừa ái ngại cho cha. Điều gì đã làm ông chuyển biến tư tưởng mau lẹ như vậy? Trong bữa cơm, thằng Út e dè cất giọng:
– Cha ơi! Cha cứ làm theo những gì cha muốn, đừng vì tụi con mà cha phải ép mình làm điều cha đau khổ. Tụi con không sao đâu!
Ông Tư nở nụ cười thật hiền:
– Ai nói cha bị ép buộc? Cha đã suy nghĩ suốt mấy đêm rồi. Cha chỉ làm theo lương tâm mình mách biểu mà thôi!
– Nếu thiệt vậy thì tụi con vui lắm cha à!
Cô con gái lớn tiếp lời:
– Sẵn đây con có chuyện này muốn thưa với ba má. Hai chị em con có dành dụm được một số tiền, tụi con muốn sang lại một hec-ta đất vườn của bác Bảy ở bên kia sông cho cha, để cha tiếp tục phả hơi thở vào đất, giúp đất mãi sinh sôi. Tụi con tính vậy được không cha?
Ông Tư chửi yêu:
– Mấy đứa này thiệt là … Có tiền hổng lo để dành đặng cưới vợ, lấy chồng đi. Bày đặt chi hổng biết nữa à!
Sau bữa cơm trưa vui vẻ, tâm trí ông Tư thư thái lạ thường. Ông nằm trên võng nhẹ nhàng đi vào giấc trưa. Ông mơ thấy bên kia sông, một vườn sầu riêng mới sắp sửa đâm chồi, xóa tan cái nắng oi ả ở miền Tây. Từng chùm bông sầu riêng rung rinh theo gió, tỏa ngát hương thơm …