Ngày rằm tháng Giêng mỗi năm, Tết Nguyên tiêu được chọn là Ngày thơ Việt Nam, trong lòng mỗi nhà thơ lại lâng lâng niềm cảm xúc khó tả. Cùng nghe những tâm tình của các nhà thơ nhân dịp này.
![]() |
Nhà thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng
– Mỗi năm, cứ đến ngày dành cho những người sáng tác như tôi, là lòng tôi nôn nao khó tả. Ngày thơ Việt Nam mang một ý nghĩa thiêng liêng, là dịp để chúng ta thấy rõ trách nhiệm, khát vọng của nhà thơ đối với Tổ quốc, dân tộc và cùng ôn lại quá khứ hào hùng, hướng tới tương lai tươi sáng cho sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước, để mỗi người dân cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm và niềm tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt.
Đây là dịp để mỗi người cùng nhìn lại những giá trị nghệ thuật sâu sắc mà thơ ca mang lại, suy ngẫm về giá trị của thơ ca đối với xã hội, cũng như vai trò của người nghệ sĩ trong việc truyền tải khát vọng và trách nhiệm của mình trong kỷ nguyên mới. Với tôi, mỗi nhà thơ phải dấn thân vào đời sống xã hội và sự chuyển mình của đất nước, thể hiện trách nhiệm lớn với quê hương, đất nước. Từ đó, bản thân tôi luôn không ngừng tìm kiếm đổi mới, khám phá những chân trời nghệ thuật mới mẻ đương đại, để có những tác phẩm mới nóng, phản ánh chân thật đời sống xã hội, cảm xúc trước sự đổi thay không ngừng của quê hương…
![]() |
Nhà thơ Nguyễn Kim Hương
– Tới ngày này, tôi có rất nhiều cảm xúc. Chưa biết có tham gia được cùng các đồng nghiệp không, nhưng tôi vẫn dạt dào cảm xúc và ngóng về nơi đang chuẩn bị tổ chức các hoạt động thật xôm tụ, ý nghĩa. Cho tôi gởi lời chúc các đồng nghiệp, những người sáng tác văn thơ có một ngày thật hạnh phúc và ý nghĩa. Dịp này, lòng người làm thơ không chỉ hân hoan mà còn trăn trở: làm sao để thơ không chỉ sống trên trang giấy, mà còn hòa vào huyết mạch của văn nghệ sĩ, đặc biệt là thế hệ trẻ, để đi vào lòng người. Tôi tin rằng, giữa nhịp sống hiện đại, thơ ca vẫn có chỗ đứng riêng, được trân trọng, là nơi ta tìm về để lắng nghe, để sẻ chia…
Thời gian qua, tôi ít sáng tác, dành toàn phần cho gia đình nhỏ và thực hiện thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Không có dịp đi nhiều, gặp gỡ nhiều, nhưng tôi vẫn đọc bằng nhiều cách để nắm bắt và tìm nguồn cảm hứng sáng tác mới. Với tôi, được viết và có duyên với nghệ thuật đã giúp tôi sống trưởng thành và trách nhiệm hơn. Tôi còn truyền tình yêu văn thơ cho học trò của mình với tất cả trách nhiệm và tình yêu thương. Tôi sẽ trở lại khi đã chu toàn việc riêng và sẽ nỗ lực để có những tác phẩm mới, tiếp tục khẳng định mình trên con đường sáng tác.
![]() |
Nhà thơ Tuyết Băng
– Với tôi, Ngày thơ Việt Nam là một ngày ấm áp, đầy tình yêu thương, lòng tri ân của xã hội dành cho những người sáng tác thơ văn, yêu thơ văn. May mắn có được một tâm hồn yêu văn học, nghệ thuật, đam mê sáng tác thơ văn, tôi viết để ghi lại những cảm xúc, những khoảnh khắc lắng đọng, giao hòa với thiên nhiên; ca ngợi công ơn của Bác Hồ, những thành tựu của quê hương, đất nước. Làm trong ngành tuyên giáo, tôi còn gắn trách nhiệm của mình với việc nhiệm vụ chính trị, góp một phần tuyên truyền những kết quả đạt được của quê hương, nhất là nhiệm vụ “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”.
![]() |
Nhà thơ Hữu Trọng
– Là một người trẻ yêu thơ, bản thân luôn mong chờ ngày này, bởi đây là dịp để những người yêu văn chương gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ. Năm 2025, sự kiện này không chỉ là nơi tôn vinh thơ ca truyền thống mà còn là cơ hội để những sáng tạo mới mẻ, những tiếng nói trẻ trung được cất lên. Thiết nghĩ, giữa nhịp sống hiện đại, thơ ca vẫn giữ nguyên giá trị của nó: kết nối tâm hồn, đánh thức cảm xúc và làm giàu thêm đời sống tinh thần. Tôi kỳ vọng Ngày thơ Việt Nam tỉnh Hậu Giang năm 2025 sẽ là nơi thơ không chỉ được đọc mà còn được cảm nhận bằng nhiều cách khác nhau, từ sân khấu biểu diễn đến các không gian tương tác. Quan trọng nhất, sẽ tạo thêm động lực với những người trẻ, giúp thơ ca không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
![]() |
Nhà thơ Nguyễn Thị Hằng
– Có đến gần 30 năm giảng dạy, nhưng với tư cách là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chính thức bước vào một sân chơi chuyên nghiệp hơn, chỉ hơn 2 năm nay. Đây là khoảng thời gian để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Tôi được tạo điều kiện nhiều hơn, gặp gỡ và đi nhiều hơn để có những cảm xúc mới, thay vì cứ quanh quẩn với chủ đề giáo dục. Mơ ước năm nay của tôi là sẽ được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tạo điều kiện để in một tập thơ riêng, gom lại tất cả những tác phẩm của mình viết từ trước đến giờ… Đây sẽ là một dấu mốc khó quên trong cuộc đời mình.
Tôi cũng sẽ tiếp tục truyền lửa và chăm bồi cho học sinh của mình, để các em hiểu và yêu văn học hơn, bởi vì qua đó, sẽ giúp các em hình thành nên giá trị cốt lõi, nhân cách sống. Thường, tôi dạy rất kỹ cách viết các thể thơ về đề tài, gieo vần, nhịp và thật hạnh phúc khi thấy học trò mình viết hay, cảm tốt, tiếp tục học chuyên sâu hơn ở những cấp học tiếp theo…
Với chủ đề: “Tổ quốc bay lên – Mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Ất Tỵ 2025”, Ngày thơ Việt Nam tại Hậu Giang năm nay sẽ diễn ra từ 14 giờ đến 21 giờ ngày 13-2 tại Khu Văn hóa Hồ Sen. Chương trình có 2 nội dung: Trưng bày, giới thiệu 100 ấn phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc, triển lãm 120 ảnh thành tựu tỉnh Hậu Giang, ảnh nghệ thuật…; chương trình biểu diễn nghệ thuật với hơn 10 tiết mục văn nghệ, ngâm thơ giới thiệu những tác phẩm, thơ, văn bất hủ, những tác phẩm văn, thơ của văn – nghệ sĩ Hậu Giang. |
VĨNH TRÀ thực hiện